Powered By Blogger

May 5, 2009

nhạc hòa tấu và những nghệ sĩ thiên tài...

Những giai điệu bí ẩn của Secret Garden

Fionnuala Sherry (trái) và Rolf Lovland trên sân khấu và trong đời thường

TTCN - Bạn đang cần âm nhạc để xóa tan những căng thẳng và áp lực công việc thường ngày nhưng lại không muốn nghe nhạc cổ điển hàn lâm; hãy dành đôi phút để đến với khu vườn âm nhạc bí ẩn của Secret Garden.

Những nốt nhạc dịu êm như nhung, nhẹ nhàng như con suối nhỏ của nhóm nhạc new age này sẽ có ích với bạn nhiều hơn thuốc giảm stress…

Secret Garden gồm hai thành viên, được thành lập cách đây đúng mười năm (1994). Trước đó, Rolf Lovland (nam) đã được biết đến như một nhà viết nhạc xuất sắc nhất của Na Uy, từng đại diện Na Uy dự thi Eurovision 1985 và đoạt giải quán quân; còn Fionnuala Sherry (nữ), người Ireland, đã biết chơi violin từ khi lên tám và đã có thâm niên 10 năm trong dàn nhạc giao hưởng.

Với gương mặt khả ái, Fionnuala còn được nhiều lần xuất hiện trên các phim truyền hình của kênh truyền hình quốc gia Ireland. Ngoài ra, cô còn được mời ghi âm nhạc nền cho nhiều phim của Hollywood như The river runs wild, A room with a view và The mask. Chính tại đây cô đã tình cờ gặp được Rolf Lovland. Thế là một nhóm nhạc tài năng ra đời.

Mười năm hoạt động, Secret Garden đã chinh phục công chúng ở 80 quốc gia khác nhau chỉ với bốn album: Songs from a secret garden (1995), White stones (1997), Dawn of a new century (1999), Once in a red moon (2002) và một đĩa tuyển tập những tác phẩm xuất sắc Dreamcatcher - The best of Secret Garden (2001).

Mỗi album đều mang những nét độc đáo riêng; đáng chú ý nhất là đĩa White stones, được sáng tác dựa trên nội dung câu chuyện cổ tích Hai đứa bé tìm cha, với những dòng gửi đến người yêu nhạc ở đầu album: “Ngày xửa ngày xưa, có hai đứa trẻ nghe được cha mẹ mình bàn tính sẽ bỏ hai em trong rừng rậm vì họ không còn khả năng làm ra miếng ăn nữa. Hai đứa trẻ thông minh đã nhặt những viên sỏi trắng và rải trên đường đi. Đêm đến, ánh trăng chiếu sáng và những viên sỏi trắng hiện rõ trước mắt… và thế là câu chuyện về Hansel và Gretel tìm cha đã bắt đầu. Hãy xem mỗi khúc nhạc trong album như những viên sỏi trắng kia. Hãy lắng nghe và nó sẽ dẫn bạn vào khu rừng bí ẩn của riêng các bạn”.

Đêm diễn của Secret Garden trong lễ trao giải Nobel hòa bình 1999
Secret Garden đã khéo léo dẫn dắt người nghe vào từng tình tiết của câu truyện chỉ với ba nhạc cụ: trống, piano và violin. Cuộc hành trình đi tìm cha của Hansel và Gretel - hai nhân vật chính trong truyện - cũng sẽ khó phai trong tâm trí những ai đã một lần đọc qua và một lần được nghe Secret Garden kể lại bằng âm nhạc.

Tuy là nhà sáng tác nhưng Rolf đã hào phóng nhường cho Fionnuala giữ nhịp ở hầu hết các track trong album đầu tiên. Kết quả Songs from a secret garden đã thấm đượm những giai điệu hiền hòa, bí ẩn và sâu lắng như chính tên album - khúc nhạc từ khu vườn bí ẩn. Với lời đề tựa đầu album: “Đâu đó trong con người của chúng ta hiện hữu một khu vườn bí mật. Đó là nơi chúng ta có thể nương náu khi cuộc sống trở nên khắc nghiệt, nơi chúng ta có thể trầm ngâm và suy nghĩ. Nhiều năm qua, tôi đã đến khu vườn bí ẩn ấy của riêng tôi, mong rằng sẽ tìm ra được những giai điệu hài hòa. Những khúc nhạc trong CD này là những gì tôi góp nhặt được từ khu vườn ấy. Năm 1994, tôi đã gặp được nghệ sĩ vĩ cầm người Ireland Fionnuala Sherry, người đã cất lên tiếng hát trong những khúc nhạc của tôi”.

Rolf đã chứng minh sự hào phóng của mình là đúng đắn khi nhạc phẩm Nocturne, với giọng hát mang âm vực cao và trong trẻo của Fionnuala, đã mang về cho Secret Garden giải nhất cuộc thi Eurovision 1995.

Ở hai album Dawn of a new century và Once in a red moon, giọng ca ấm áp của Rolf, vốn được anh giữ kín nhiều năm, cũng bắt đầu được đưa vào đĩa nhạc. Với Dreamcatcher, The Prayer, Sona, hai giọng ca một trầm một bổng nhưng vẫn có thể hòa quyện vào nhau, quấn quít nhau như không thể chia cắt. Cũng không thể không kể đến You raise me up -khúc nhạc xoáy sâu vào góc cạnh tinh thần của tình bè bạn. Cũng không nên bỏ qua phút giây bình yên trong làn cỏ xanh mát và con sóng hiền hòa của biển cả với bản Greenwaves, hay cảnh bình minh sáng chói trong Gates of dawn.

Đến với nhiều nhạc phẩm khác, có cảm giác như Secret Garden “bắt” người nghe phải tự tìm tòi và khám phá khu vườn bí ẩn của họ. Và chỉ những ai mang cùng nhịp đập tâm hồn với Rolf và Fionnuala mới có thể hiểu hết cảm xúc mà họ ẩn giấu sau những nốt nhạc. Âm nhạc của Secret Garden, vì thế, giống như cỗ xe thần kỳ, đưa con người đến một thế giới, một khu vườn bí ẩn, nơi chúng ta không thể tìm thấy được thứ gì khác ngoài âm nhạc và sự thư thái về tinh thần.

trích báo tuổi trẻ-TIẾN VŨ

=================================================================

Going Home với Kenny G

Mỗi người đều có nơi nào đó để gọi là nhà. Bằng tiếng sax da diết, bằng những hình ảnh phiêu lưu đường xa, vượt bao chặng để trở về, Kenny G đã định nghĩa nhà của anh trong Going Home. Tôi cũng đã nghĩ đến những nơi chốn, những kỉ niệm và những người thân yêu của mình – nhà của tôi khi nghe nhạc của Kenny.

Bản nhạc: GOING HOME
Thể hiện: Kenny G
*****

Đã bao giờ trong bộn bề lo toan cuộc sống bạn mong được sà vào cánh tay một ai đó để được cảm thấy mình thật nhỏ bé, cần được chở che? Tại sao mọi cuộc phiêu lưu, mọi hành trình vạn dặm đều kết thúc bằng giây phút quây quần bên những người yêu dấu?

Với Kenny G, tay soprano sax với mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ đã đi qua hàng chục triệu trái tim yêu nhạc trên toàn thế giới, câu trả lời là luôn có một nơi sâu thẳm trong tâm hồn mỗi chúng ta mang tên nhà.

Kenny G với tri âm tri kỷ của cuộc đời - cây Saxophone
Nguồn: amazon.com


Những ai đã từng yêu thích Forever in Love, Sentimental, Songbird, hay thậm chí đơn giản là tiếng saxophone cao vút mà dịu dàng chắc không lạ gì với giai điệu nhẹ nhàng, day dứt của Going Home.

Nói đến “nhà” của Kenny G (tên thật: Kenneth Gorelick) chắc chắn không thể không kể đến "tri âm tri kỉ" trọn đời của anh– cây saxophone. Bắt đầu làm quen với sax từ khi còn nhỏ, anh chính thức bước vào sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp năm 20 tuổi bằng việc gia nhập Love Unlimited Orchestra của Barry White.

Anh còn tham gia thu âm cùng nhóm Cold, Bold & Together, một nhóm nhạc ở Seattle. Tốt nghiệp đại học Washington, Kenny G thu hai album cùng Jeff Lorber Fusion, nhóm nhạc đứng đầu bởi tay keyboard nổi tiếng Jeff Lorber từng được đề cử giải Grammy.

Trong suốt cuộc đời mình, Kenny G đã đem lại những diện mạo thật mới mẻ cho cây sax. Tiếng sax thánh thót, sang trọng của anh đưa người nghe đến với những câu chuyện tình yêu vĩnh cửu , những cánh rừng bạt ngàn, những hồ nước trong vắt, những con đường nhỏ phủ đầy tuyết trắng trước nhà (cảnh trong clip Going Home)…

Kenny G không được những người hâm mộ dòng nhạc jazz truyền thống đánh giá cao, dù tên tuổi anh thường được gắn với dòng smooth jazz. Tuy vậy những nhận xét khen chê của các nhà phê bình âm nhạc cũng chẳng ảnh hưởng gì nhi. Trái tim của bao người yêu nhạc khắp thế giới vẫn run rẩy trước tiếng sax trau chuốt, bóng bẩy của Kenny.

Hơn 75 triệu album được tiêu thụ trên toàn thế giới là một con số trong mơ với bất kì nghệ sĩ nào. Năm 1997, anh còn lập kỉ lục Guinness với cây đàn yêu quý của mình bằng việc chơi nốt nhạc dài nhất thế giới bằng saxophone – nốt nhạc Mi giáng kéo dài đến 45 phút 12 giây.

Nhưng có lẽ điều không phải ai cũng biết về Kenny G là bên cạnh cây sax thân thiết, anh còn tìm hạnh phúc ở môn thể thao yêu thích golf, món sushi và đương nhiên là gia đình nhỏ bé của mình. Người cha Kenny G vẫn thường chơi đàn cho cậu con trai nghe khi cậu còn nằm trong bụng mẹ. Khi thu âm album nổi tiếng The Moment, anh cũng chỉ dành 3 tiếng đồng hồ một ngày cho âm nhạc.

"Tôi nói chuyện với một vài người bạn, và họ kể là họ đã thu âm sáu ngày liên tục. Còn tôi đã làm gì chứ? Ồ, tôi chỉ loanh quanh với chiếc thủy phi cơ của tôi. Tôi đi câu cá với con trai. Tôi từng cảm thấy rất tội lỗi. Nhưng bây giờ thì thôi rồi." Anh từng tâm sự với tờ New York Times như vậy.

Nghe nhạc Going Home, xem video clip Going Home, trong đó người nghệ sĩ hào hoa Kenny G vượt qua chặng đường thật dài bằng đường ô tô rồi sau đó chèo thuyền và xuất hiện trong bộ đồ jean giản dị bắt tay làm những công việc gia đình như chặt củi, đốt lò sưởi, chợt thấy tiếng nhà vang lên văng vẳng, thân thương...

Nguồn: chron.com


Bản nhạc chỉ xoay đi xoay lại quanh một giai điệu ngắn, dễ nhớ, dễ thuộc, kết thúc như một thực tế giản dị vẫn tồn tại trong cuộc sống của mỗi chúng ta, thỉnh thoảng điểm xuyết bởi những nốt luyến láy đặc trưng Kenny G mà sao khiến tôi xúc động đến lạ lùng.

Hình như chỉ khi nào phải đi xa, xa lắm mới nhận ra mình nhớ tiếng “nhà” da diết đến như thế nào… Nhớ đến cả những cái nhỏ xíu mà bình thường không bao giờ để ý, đúng như câu ca "Anh đi anh nhớ quê nhà"…

Trong cái lạnh xuống đến 5, 7 độ C đầu mùa thu ở một đất nước ôn đới, tôi mới thấy nhớ làm sao lúc Hà Nội trở gió heo may, không lạnh lắm, nhưng đủ để mong được nép vào một bờ vai ai đó. Rồi thử đến hàng chục loại thức ăn xa xứ cũng không làm sao tìm được một thứ gì vừa mát dịu, vừa ấm áp như rau muống luộc – món đầu tiên tôi học từ bà tôi, như món nem rán thỉnh thoảng mẹ làm cho hai anh em tôi vào dịp cuối tuần.

Bỗng nhiên tôi chợt hiểu vì sao lần đầu tiên nhìn thấy cơm trắng giống hệt cơm vẫn ăn khi còn ở nhà, mắt tôi lại ươn ướt…

Chỉ có nhà là nơi lúc nào ta cũng có thể trở về nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi. Về nhà để được lao vào vòng tay mẹ, để mẹ chải đầu và nấu ăn cho như ngày còn thơ bé. Về nhà để được trở về với cái góc học tập, cái cửa sổ quen thuộc đã gắn bó với cả tuổi thơ và bao kỉ niệm.

Ai cũng nói rằng đến con người lớn lên đến một lúc nào đó sẽ phải đi khỏi vòng tay ôm ấp của gia đình mình để tự bước đi tìm kiếm chỗ đứng trong thế giới bao la rộng lớn. Nhưng giờ tôi đã hiểu đi là để trở về, để hơn lúc nào hết, thấm thía rằng nhà là một phần không khi nào có thể chia cắt với mỗi người.

Mỗi người đều có nơi nào đó để gọi là nhà. Bằng tiếng sax da diết, bằng những hình ảnh phiêu lưu đường xa, vượt bao chặng để trở về, Kenny G đã định nghĩa nhà của anh trong Going Home. Tôi cũng đã nghĩ đến những nơi chốn, những kỉ niệm và những người thân yêu của mình – nhà của tôi khi nghe nhạc của Kenny.

Còn bạn, sao không thử nghe Going Home và để cảm xúc lắng đọng lại trong một góc thật sâu nào đó của tâm hồn, một góc thân thương mang tên nhà?

trích tuanvietnam.net


===============================================================


Yiruma và những bản piano thánh thót


Nhắc đến những nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới, người ta không thể bỏ qua Yiruma – một nghệ sĩ với những bản piano ngọt ngào thanh thoát. Tuy còn rất trẻ nhưng tài năng của anh đã được khán giả trên khắp thế giới đón nhận.

Yiruma và những bản piano thánh thót

Có khá nhiều người vẫn nghĩ rằng Yiruma là người Nhật nhưng thật ra anh là người Hàn Quốc.

Yiruma sinh ngày 15 tháng 2 năm 1978 tại Seoul. Lên 5 tuổi anh đã bắt đầu học piano, những phím đàn đã khơi dậy niềm đam mê âm nhạc ở anh và từ đó theo anh đến tận bây giờ.

Năm 11 tuổi, Yiruma chuyển sang sinh sống tại Anh quốc, anh đã tốt nghiệp Nhạc viện Purcell tháng 7 năm 1997 và trường King’s College tháng 6 năm 2000.

Vợ anh là hoa hậu Hàn Quốc Song Hye Im.

Yiruma và những bản piano thánh thót
Yiruma cùng vợ Song Hye Im

Mặc dù lúc đầu mang quốc tịch Anh, nhưng sau đó Yiruma đã quay lại nhập quốc tịch Hàn Quốc để gia nhập quân ngũ như mọi nam thanh niên Hàn.

Tháng 1 năm 2002, Yiruma trở thành nghệ sĩ dương cầm đầu tiên của Hàn Quốc được vinh dự biểu diễn trong lễ hội âm nhạc MIDEM tại Cannes - Pháp. Anh được coi là một trong những nghệ sĩ New Age triển vọng nhất xứ kim chi.

Sau đó, Yiruma trở nên được hâm mộ toàn châu Á khi anh cho ra đời những bản nhạc nhẹ nhàng lãng mạn cho bộ phim Hàn Quốc “Bản tình ca mùa đông”, giúp bộ phim này trở thành phim Hàn được yêu thích nhất tại Nhật.

Sau này, Yiruma đã thêm vào những bản nhạc của mình nhiều nhạc cụ khác như sáo, harmonica, guitar, và nhạc điện tử, khiến giai điệu của dương cầm như nổi bật hơn, nồng nàn hơn.

Yiruma đã ra mắt được 8 album và thành công nhất với album đầu tay “First Love” phát hành tháng 12 năm 2001.

Trong đó, “Kiss the rain” là bản nhạc khiến cho người khó tính nhất cũng khó lòng chối từ. Ngoài ra, những bản nhạc du dương thánh thót khác gồm có: Maybe, River flows in you, Love me… đều là những bản nhạc được các bạn trẻ vô cùng yêu thích.

Album của anh không chỉ được đón nhận ở châu Á mà còn lan rộng sang cả Mỹ và khắp châu Âu. Nghe nhạc của Yiruma, có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, thư giãn và thoải mái. Những bản nhạc của anh được phần lớn các bạn trẻ chọn làm nhạc nền cho blog của mình.

Hiện album mới nhất của Yiruma có tên “H.i.s Monologue”.

Trang Thu
Theo Star


=================================================================



Kitaro Nhạc Sĩ Của Thiên Nhiên



"Những ngón tay lướt trên keyboard và mái tóc dài rung rung theo điệu nhạc, những âm thanh mềm mại khỏe khoắn tràn ngập khắp gian phòng lặng phắc. Mọi người ngỡ như họ đang đứng giữa thung lũng đầy hoa hay đang dạo chơi trên đồng cỏ xanh êm". Đó là nhận xét của giới nhạc sĩ về các tác phẩm của Kitaro.

Người Mỹ xếp nhạc Kitaro vào dòng New Age (Thời đại mới) nhưng ông thích gọi đó là nhạc tâm linh, nhiều cảm xúc hơn là kỹ thuật điện tử. Giai điệu hoành tráng, vừa mãnh liệt, vừa dịu dàng qua nhạc phim Trời và đất đã mang lại cho ông giải Quả cầu vàng. Tiếp đó, Kitaro đã đoạt giải Kim Tượng (Đài Loan) và Nhạc phim hay nhất trong Liên hoan phim quốc tế tại Hong Kong với ca khúc The Song Sisters. Sau 7 lần được đề cử Grammy, album Thinking of you của ông đoạt giải Album dòng nhạc mới xuất sắc nhất. Khi nói về các danh hiệu cao quý này, Kitaro chỉ cười và bộc bạch: "Các sáng tác của tôi làm người nghe rung động. Đó chính là phần thưởng đáng giá nhất". Caravan Sary là một trong những ca khúc của ông được chuyển lời Việt với tựa là Tình Ơi Xin Ngủ Yên



Trưởng thành từ một gia đình theo đạo Phật và Thần đạo (Shinto), âm nhạc của Kitaro gắn chặt với tinh thần vui sống, hòa hợp vào thiên nhiên. Ông không bao giờ quên gốc gác của mình, hằng năm, dù bận gì đi nữa, ông cũng về nước dự lễ trăng tròn trên núi Phú Sĩ. Ở đó, Kitaro say mê chơi trống taiko từ lúc bình minh đến khi tối mịt, chơi cho tới khi tay rớm máu.

Kitaro sinh ngày 4/2/1953 tại Achiken (Nhật Bản). Tên thật của ông là Katahashi, còn Kitaro là biệt danh đặt theo tên một nhân vật phim hoạt hình Nhật. Từ thời trung học, ông cùng bạn bè chơi guitar và lập ban nhạc chuyên biểu diễn tại các câu lạc bộ. Dù chưa học qua trường lớp âm nhạc nào, Kitaro chơi thành thạo các loại nhạc cụ như guitar, đàn sitar, sáo trúc, trống, keyboard cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Sau đó, ông tham gia ban nhạc của nhạc sĩ nổi tiếng Miyashita và lưu diễn vòng quanh thế giới.

Năm 1972, Kitaro làm quen với đàn synthesize và sự nghiệp âm nhạc của ông bắt đầu khởi sắc. Khi ban nhạc của Miyashita tan rã năm 1976, ông đã một mình biểu diễn vòng quanh châu Á. Từ đó, ông chọn cho mình một hướng đi riêng. Các album lần lượt ra đời: Tenkai (1978), Silk Road (1980). Hợp đồng ghi âm với hãng Geffen Record năm 1986 đã đưa nhạc của Kitaro đến với thị trường Mỹ. Dù gặp nhiều trở ngại trong việc dịch lời qua tiếng Anh, nhưng hơn 10 triệu album của ông tung ra đã bán hết sạch vào năm sau.

Kitaro từng kết hôn với con gái của trùm mafia Nhật năm 1983. Vài năm sau, họ ly dị do phải thường xuyên sống xa nhau. Khi ông cưới người vợ sau và có hai đứa con, nhiều khán giả cho rằng phong cách âm nhạc của Kitaro đã thay đổi, ông mất đi cảm giác bình an trong thời kỳ đầu, nhưng họ vẫn đón nhận những sáng tác mới của người nghệ sĩ tài hoa này một cách nồng nhiệt và đầy ngưỡng mộ.
(Theo Thế Giới Phụ Nữ)
23/5/2001



=================================================================



Nghe Yanni để tìm thấy thành công

Nghe New Age mà chưa nghe Yanni thì chưa thể thưởng thức hết cái hay của nhạc hòa tấu đương đại. Nếu Kitaro là đỉnh cao của trường phái âm nhạc Phương Đông, thì Yanni chính là cực còn lại của âm nhạc Phương Tây.

Bảo Châu

Yanni có hai dòng nhạc là hoành tráng và trữ tình. Hôm nay tôi chỉ muốn phân tích góc độ hoành tráng của nhà soạn nhạc tài ba người Hy Lạp này.

Với các loại nhạc hòa tấu khác, nghe đã là cảm nhận đủ, nhưng riêng với trường phái nhạc hoành tráng của Yanni, chúng ta thực sự phải xem và nghe, vì tính chất hoành tráng và có phần kiêu sa của dàn nhạc.

Xem một DVD với dàn loa home-theatre bật gần hết công suất, đôi lúc tôi phải nổi da gà và tự hỏi một câu hỏi ngớ ngẩn: Tại sao chất liệu của âm thanh thật đơn giản: chỉ có 7 nốt nhạc và các ốc-ta, nhưng qua tay của Yanni, nó lại làm nên một sắc thái hùng vĩ đến như vậy!

Nghe Yanni khiến mình phấn chấn một cách diệu kỳ, giống như xúc cảm lúc mình thực hiện được một nguyện vọng, và đang tận hưởng sự thành công ấy. Không phải là điều ngạc nhiên lắm khi lần đầu tiên nghe Santorini trong lễ khai mạc hoành tráng của Olympic Atlanta 1996, giống như được tham gia vào cuộc diễu hành của 20.000 VĐV thực thụ ngoài đời. Đôi lúc còn tưởng chính mình là những VĐV ưu tú đại diện cho các quốc gia.

Sau này, rất nhiều bản nhạc của Yanni được lấy để khai mạc các event lớn nhỏ quốc tế và trong nước, các buổi lễ tôn vinh tài năng, các buổi lễ phát thưởng, trên kênh FTV như Santoriny, Acroyali, Within attraction...

Thưởng thức Yanni để thấy mỗi loại nhạc cụ hiện đại được huyền thoại âm nhạc Hy Lạp nâng lên một tầm mới, để thăng hoa cho chính loại nhạc cụ đó. Rõ ràng nhất là bài Marching Season trong album Yanni Live at the Acropolis.

Đầu tiên phải kể đến việc một mình Yanni chơi 2 cây đàn 3 tầng (tổng cộng 6 tầng) để thấy ông kết hợp hiện đại với truyền thống trong nhạc của mình tài tình thế nào.

Trước đây tôi không bao giờ thích nghe bộ gõ vì nó quá ồn, nhưng trong Marching Season, có một đoạn độc diễn trống hơn 5 phút khiến tôi phải nghĩ khác về vai trò của loại nhạc cụ này trong dàn nhạc giao hưởng hiện đại. Trong Acroyali cũng vậy, tiếng trống khúc dạo đầu cho thấy trống đã thăng hoa như thế nào trong nhạc của Yanni.

Cũng trong Marching Season, Within Attraction, violin lại một lần bứt phá để vượt lên cái dịu dàng, tha thướt, mềm mại và nhỏ nhẹ vốn có của nó. Violin vẫn được mệnh danh là "nhạc cụ nữ hoàng", nhưng violin dưới tài biến tấu của Yanni cùng các nghệ sĩ đã tiếp cận lên một vị trí khác, kiêu hùng và bản lĩnh, như thể sẵn sàng đối kháng với bất cứ loại nhạc cụ nào muốn qua mặt nó.

Nghe bản Marching Season của Yanni.

Trong Within Attraction, hai nghệ sĩ kéo violin trình diễn như một trận thư hùng so kiếm của hai kiếm khách chứ không đơn thuần là cuộc trình diễn của hai nhạc công! Trong Acroyali, violin được đánh theo dạng pizzicato (tức là đánh nốt nhạc trên violin bằng cách bật ngón tay mà không dùng vĩ kéo) đoạn đầu!

Trong Nightingale (chim sơn ca), cây flute lại một lần nữa vẫy chào tất cả các nhạc cụ khác để soán ngôi ! Đây là live show của Yanni ở đền Taji Mahal. Thành công nhất trong bản nhạc này là đoạn độc diễn của nhạc công thổi sáo. Sáo tại các nước Hồi giáo có tính chât thôi miên rắn hổ, nhưng ở đây, sáo có thể thôi miên hàng triệu trái tim người yêu nhạc. Đó là đoạn độc diễn thành công nhất của flute trong Live in Cypcus. Bài Nightingale sau này lồng trong film Truyền thuyết liêu trai.

Các bạn hãy cùng tôi nghe Yanni, để dễ dàng tìm thấy sự thành công của mình trong đó!


4 comments:

  1. Ngàn năm mới post, mỗi lần post chơi nguyên 1 bài dài thòong, đọc muốn lòi mất. Mấy nhạc này nghe hay thiệt nhưng mình chỉ để dành cho những khi nhức đầu không nghe nổi bất kỳ nhạc nào khác nữa, nghe để thanh lọc đầu óc và tâm hồn. Có bài nào hay hay nữa thì bạn up lên để mọi người cùng nghe đi.

    ReplyDelete
  2. Secret Garden vẽ tranh bằng âm thanh
    Kenny G sâu lắng (nghe vào lúc 12h khuya mới thật là thấm thía)
    Yiruma trữ tình
    Kitaro mạnh mẽ và lãng du
    Yanni mới mẻ
    They're great musicians.
    Bữa nào Bumbum thử nghe Joe Hisaishi (ông này chuyên viết nhạc nền cho phim, có thể nghe dễ nhất là Joe Hisaishi: Piano Stories)
    Thanks for the post.

    ReplyDelete
  3. @ bach duong
    : de bum nghe thu

    ReplyDelete
  4. Mình cũng rất thích nghe dòng hòa tấu này ...Nhưng mình thích nhất là mấy bài hòa tấu mà có giọng soprano cao vút...như một bài mà mình biết " Night Of Fate" rất hay và một số bài mình nghe mà không biết tên gì ? Mình nghĩ bạn rất sành về thể loại New Age này, nếu bạn có biết nhiều bài nào tương tự như mình nói... xin bạn vui lòng chia sẻ với mình qua yahoo hay mail : peterpan33332002@yahoo.com . Cảm ơn bạn nha !

    ReplyDelete